• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cử nhân sư phạm khởi nghiệp từ cây sâm quý của quê hương

Giữa núi rừng Tây Bắc hoang sơ và hùng vĩ, nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn, vẫn có những người trẻ chọn con đường quay về với đất, với rừng, để kiến tạo một hướng đi mới đầy bản lĩnh

Anh Nguyễn Hải Châu, cử nhân tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Tây Bắc, là một trong những tấm gương như vậy: khởi nghiệp từ cây sâm Lai Châu, góp phần làm giàu cho bản thân và nâng tầm giá trị dược liệu bản địa. Sinh ra trong một gia đình nông dân tại Mường So, Phong Thổ, anh Nguyễn Hải Châu luôn mang trong mình tình yêu với giáo dục và khát vọng cống hiến cho quê hương. Năm 2003, anh tốt nghiệp ngành sư phạm tiểu học, được phân về giảng dạy ở trường tiểu học trên địa bàn huyện Phong Thổ. Trong quá trình giảng dạy, gắn bó tại các bản vùng sâu, anh nhận ra rằng ngoài giáo dục, phát triển nông nghiệp là một hướng đi giàu tiềm năng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của Lai Châu. Sau thời gian dài trăn trở và tìm hiểu, anh quyết định rẽ hướng không theo nghề giáo mà chuyển sang khởi nghiệp với ngành nông nghiệp, năm 2019 anh bén duyên với cây sâm Lai Châu một loại dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh.

Một góc vườn sâm của anh Châu

Bắt đầu từ con số không về kỹ thuật trồng sâm, anh Châu tự nghiên cứu tài liệu, tích cực tham gia các lớp tập huấn để trang bị kỹ thuật trồng sâm. Với niềm đam mê, sự quyết tâm cao giờ đây vườn sâm của Anh bắt đầu cho trái ngọt. Không dừng lại ở việc bán củ tươi, anh Châu làm các sản phẩm chế biến từ sâm như: mật ong sâm, rượu ngâm sâm, bột sâm nghiền… Anh chủ động đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, hợp tác với chuỗi cửa hàng đặc sản tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, sản phẩm sâm của hợp tác xã Thuận Phát của Anh được người tiêu dùng tin tưởng. Hiện tại, hợp tác xã của anh Châu tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương, với thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/tháng.

Một số sảm phẩm sâm của HTX Thuận Phát tham gia Hội Chợ

tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

Anh Châu chia sẻ: “Tôi không chỉ muốn làm ra sản phẩm có giá trị kinh tế, mà còn muốn giữ gìn cây thuốc quý của Lai Châu mình. Sâm Lai Châu không chỉ là cây dược liệu, mà còn là một phần văn hóa bản địa, cần được khai thác đúng cách và bền vững”. Với suy nghĩ đó, anh thường hướng dẫn kỹ thuật, chia sẽ kinh nghiệm trồng sâm cho người nông dân trồng sâm các xã vùng cao như: Lản Nhì Thàng, Dào San.

Anh Châu, một cử nhân sư phạm dũng cảm rẽ hướng, từ bỏ con đường ổn định để bước vào hành trình đầy thử thách với nông nghiệp. Từ một thanh niên mang ước mơ đứng lớp, nay anh đã trở thành người truyền cảm hứng cho thanh niên vùng cao, mở ra hướng đi mới: khởi nghiệp từ chính tiềm năng của quê hương mình, bằng tri thức, bản lĩnh và tình yêu với đất mẹ. Câu chuyện khởi nghiệp của anh là minh chứng cho việc kết hợp tri thức trẻ với tiềm năng bản địa để làm giàu chính đáng và góp phần phát triển quê hương.

 

 

 


Tác giả: Đoàn Đình Phương - Trung tâm Khuyến nông và kỹ thuật Nông nghiệp, nông thôn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...