Cô gái trẻ người dân tộc Thái Góp sức phát triển nghề nuôi ong mật tại Lai Châu
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Mường Mít, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Từ nhỏ, Lò Thanh Xuân đã thấu hiểu những nhọc nhằn, vất vả của bố mẹ khi quanh năm gắn bó với nương rẫy. Tốt nghiệp đại học, thay vì chọn ở lại thành phố như nhiều bạn bè cùng trang lứa, chị quyết định trở về quê hương để khởi nghiệp. Con đường chị chọn là mô hình nuôi ong lấy mật, một hướng đi mới mẻ, đầy tiềm năng nhưng cũng nhiều thách thức.
Bắt đầu từ con số 0, không có mô hình mẫu để tham khảo, thiếu kinh nghiệm thực tiễn và nguồn vốn còn hạn chế, chị Xuân đã lựa chọn hướng đi chủ động và kiên trì. Chị tích cực học hỏi kỹ thuật từ cán bộ khuyến nông, tham gia các lớp tập huấn, đồng thời tự nghiên cứu tài liệu và kiên trì thực hành từng bước. Nhận thấy điều kiện tự nhiên của địa phương với địa hình đồi núi và diện tích rừng rộng lớn, chị quyết định đưa đàn ong lên rừng để tận dụng nguồn hoa tự nhiên phong phú. Song song với đó, chị đầu tư xây dựng nhà xưởng và trang bị máy móc sơ chế nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Khai thác lợi thế sinh thái trong nuôi ong mật - mô hình nuôi ong
của HTX Mường Mít
Thông qua việc áp dụng quy trình sản xuất bài bản và tuân thủ đầy đủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm mật ong mang thương hiệu “Thanh Xuân” của Hợp tác xã Mường Mít từng bước tạo được uy tín trên thị trường. Năm 2022, sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đến năm 2023, Hợp tác xã tiếp tục được cấp chứng nhận VietGAP, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hướng đi sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững.
Sản phẩm mật ong Thanh Xuân của HTX Mường Mít
Không dừng lại ở sản xuất, chị Xuân còn tích cực đưa sản phẩm mật ong tham gia các hội chợ nông sản trong và ngoài tỉnh, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu và kết nối đối tác tiêu thụ.
Chị Xuân tham gia “Tuần hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm nông sản
của tỉnh Lai Châu” tại Cầu Giấy, Hà Nội
Chị Xuân còn tiên phong trong việc đưa sản phẩm “Mật ong Thanh Xuân” lên sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, sản phẩm mật ong Thanh Xuân của chị không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn có mặt tại hơn 20 điểm bán hàng trên cả nước, góp phần khẳng định vị thế của mật ong Lai Châu trên thị trường nông sản sạch.
Không chỉ chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ, chị Xuân còn quan tâm đến việc nâng cao kiến thức và kỹ năng cho người nuôi ong tại địa phương. Chị thường xuyên dẫn các hộ nuôi ong đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các mô hình hiệu quả. Bên cạnh đó, Hợp tác xã do chị điều hành đã phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng xã Mường Mít tổ chức hội nghị tập huấn kỹ thuật nuôi ong mật và triển khai mô hình liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm.
Hội nghị tập huấn nuôi ong mật và triển khai mô hình liên kết nuôi ong
bao tiêu sản phẩm tại xã Mường Mít
Chị Xuân chia sẻ: “Điều khiến tôi vui nhất là ngày càng có nhiều hộ trong bản cùng tham gia, có đầu ra ổn định. Tôi thấy mình không chỉ bán mật, mà còn đang kết nối bà con để ai cũng có cơ hội vươn lên”.
Với tinh thần đổi mới, trách nhiệm và đóng góp thiết thực cho phát triển nông nghiệp tại địa phương, năm 2024, chị Lò Thanh Xuân vinh dự được trao Giải thưởng Lương Định Của, phần thưởng cao quý dành cho thanh niên nông thôn tiêu biểu.
Chị Lò Thanh Xuân vinh dự được trao Giải thưởng Lương Định Của
Câu chuyện của chị Lò Thanh Xuân là một hình mẫu truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên vùng cao: mạnh dạn khởi nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, liên kết cộng đồng và từng bước hình thành chuỗi giá trị bền vững, đúng với định hướng của khuyến nông hiện đại./.