CẨM NANG PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH TRÊN CÂY DƯA CHUỘT
Dưa chuột tên khoa học là Cucumis sativus, thuộc họ bầu bí, có lớp vỏ mỏng màu lá cây. Là loại rau ăn có tính mát, giàu vitamin và chất sơ, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Khí hậu và thổ nhưỡng ở Lai Châu rất phù hợp để trồng cây dưa chuột và đặc biệt nơi đây có giống dưa mèo rất ngon giàu và dinh dưỡng, đặc biệt là ở những vùng có độ cao trung bình, đất tơi xốp và thoát nước tốt như Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên,…
Dưa chuột rất phổ biến, dễ trồng, nhưng lại rất dễ bị sâu bệnh hại nếu không chăm sóc đúng cách. Nhưng việc sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học để phòng trừ vẫn còn rất hạn chế do một số nguyên nhân:
Một là: Lúng túng trong việc lụa chọn và thông tin thuốc phòng trừ, đặc biệt khi dịch hại phát sinh mạnh vào các giai đoạn mẫn cảm của cây trồng như giai đoạn cây con, giai đoạn ra hoa, đậu quả.
Hai là: Giá thành của một số thuốc sinh học còn cao hơn nhiều so với thuốc hoá học. Đây là một yếu tố cản trở rất lớn việc xâm nhập thị trường của các thuốc BVTV sinh học.
Ba là: Kiến thức sử dụng thuốc BVTV nói chung và thuốc trừ sâu sinh học nói riêng của người nông dân vẫn còn hạn chế.
Bốn là: Đa số người dân chỉ áp dụng kỹ thuật phun theo quảng cáo trên nhãn. Bên cạnh đó, việc tồn tại quá nhiều thuốc trên thị trường với các tên thương mại tương tự như thuốc hoá học cũng gây lúng túng cho người dân khi lựa chọn thuốc để sử dụng.
Trung tâm Khuyến nông và kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn hướng dẫn những loại sâu bệnh thường gặp nhất trên cây dưa chuột theo hướng an toàn.
1. Áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM để kịp thời phòng trừ dịch bệnh như: luân canh cây trồng hợp lý, sử dụng giống tốt, sạch bệnh, thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, bắt sâu…
2. Chỉ sử dụng các thuốc sinh học (thuốc vi sinh và thảo mộc), thuốc ít độc, thuốc có thời gian phân hủy nhanh, cách ly ngắn khi thật cần thiết và đảm bảo an toàn cho người lao động, người tiêu dùng như:
*/ Đối với sâu hại
a. Bọ trĩ (Thrips)
- Biểu hiện: Lá bị xoăn, hoa và quả non rụng, cây còi cọc.
- Phòng trừ:
- Trồng cây với mật độ hợp lý, thông thoáng.
- Sử dụng bẫy màu xanh hoặc vàng dính để bắt bọ trĩ.
- Dầu neem: Dầu neem là một loại thuốc trừ sâu hữu cơ phổ biến có hiệu quả chống lại bọ trĩ. Nó làm gián đoạn vòng đời của bọ trĩ và hoạt động như một chất xua đuổi. Pha loãng dầu neem theo hướng dẫn của nhà sản xuất và phun lên cây bị ảnh hưởng.
- Ớt + tỏi + gừng: Xay hỗn hợp này hoà với nước (có thể thêm 1 ít nước rửa chén) và xịt lên cây bị ảnh hưởng bởi bọ trĩ. Đây là phương pháp được nhiều người áp dụng và mang lại hiệu quả cao.
b. Rầy mềm (Aphids)
- Biểu hiện: Tập trung ở mặt dưới lá non, chích hút nhựa, gây biến dạng lá, truyền virus
- Phòng trừ:
- Tỉa bỏ lá già, vệ sinh vườn.
- Dùng dầu khoáng hoặc thuốc sinh học như Neem oil, Emamectin benzoate.
- Luân canh cây trồng để giảm nguồn bệnh.
- Sử dụng các loại thiên địch như bọ rùa, nhện ký sinh, hoặc ong ký sinh
c. Sâu khoang (Spodoptera litura)
- Biểu hiện: Ăn lá, đục quả non.
- Phòng trừ:
- Vệ sinh đồng ruộng.Thu gom ổ trứng, sâu non bằng tay.
- Dùng Bacillus thuringiensis (Bt)
- Sâu khoang có khuynh hướng thích mùi chua ngọt và ánh sáng đèn, do đó có thể dùng bẫy bả chua ngọt để thu hút bướm khi chúng phát triển rộ. Bả chua ngọt gồm 4 phần giấm + 1 phần mật + 1 phần rượu + 1 phần nước. Sau đó đem bả mồi vào chậu rồi đặt ở ngoài ruộng vào buổi tối nơi thoáng gió có độ cao 1m so với mặt đất.
- Dùng hoa hướng dương hay các loài cây có thể dẫn dụ sâu ăn tạp trồng xung quanh ruộng canh tác để dễ dàng tiêu diệt.
- Dùng sản phẩm sinh học có nguồn gốc nấm, vi khuẩn khi có những dấu hiệu cắn phá lá đầu tiên. Thông thường 10 ngày sau phải phun thuốc lại.
d. Ruồi đục quả (Bactrocera spp.)
- Biểu hiện: Đục quả, làm quả thối, rụng sớm.
- Phòng trừ:
- Dùng bẫy pheromone hoặc bẫy dẫn dụ.
- Bao quả bằng túi lưới.
- Dọn sạch quả rụng để tránh lây lan.
- Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư thực vật.
- Cày ải phơi đất để diệt sâu non và nhộng.
- Thu gom và tiêu hủy các trái bị dòi gây hại.
- Dùng dấm pha đường với ít thuốc trừ sâu, đặt rãi rác cách 5-10 m một bẫy.
*/ Đối với bệnh hại
a. Bệnh sương mai (Pseudoperonospora cubensis)
- Biểu hiện: Xuất hiện đốm vàng trên lá, mặt dưới có mốc xám tím.
- Phòng trừ:
- Trồng giống kháng bệnh.
- Không trồng liên tiếp dưa leo tại một khu đất.
- Ngắt bỏ bớt các lá già và lá bệnh, dùng màng phủ nông nghiệp, không để lá tiếp xúc với mặt đất..
- Phun Trichoderma spp. (3-5 g/lít nước) hoặc Bacillus subtilis (2-3 g/lít nước).
- Chế phẩm sinh học: Phun Chitosan (10-15 ml/lít nước) để tăng đề kháng.
b. Bệnh phấn trắng (Erysiphe cichoracearum)
- Biểu hiện: Lá xuất hiện phấn trắng, lá vàng và khô.
- Phòng trừ:
- Tăng cường ánh sáng và thông thoáng.
- Dùng thuốc sinh học như Kaligreen, nấm đối kháng
- Sử dụng hỗn hợp baking soda và xà phòng được pha theo tỷ lệ: Baking soda 1 muỗng canh + Xà phòng dạng nước ½ muỗng cà phê + Nước 3 lít. Tuy nhiên, bà con không nên xịt hỗn hợp cho cây trồng khi trời đang có nắng. Bên cạnh đó, vài ngày trước khi xịt hỗn hợp, nên tưới nước cho cây trồng bị nhiễm bệnh.
- Sử dụng nước súc miệng: pha nước súc miệng với nước theo tỷ lệ 1:3, sau đó xịt trực tiếp lên cây trồng nhiễm bệnh. Lưu ý: Vì các hoạt chất chứa trong nước súc miệng rất mạnh nên khi sử dụng, cần phải thật thận trọng, pha theo đúng tỷ lệ, nhất là đối với chồi và lá non.Nên sử dụng hỗn hợp để tưới cây vào buổi sáng, thời điểm mặt trời chưa lên.
- Sử dụng sữa: Tỷ lệ pha trộn hỗn hợp sữa và nước hiệu quả là 2:1 hoặc 3:1. Lưu ý, bà con nên tưới vào buổi chiều hoặc buổi sáng, tránh sự tác động trực tiếp của ánh nắng mặt trời.
c. Héo rũ do vi khuẩn (Erwinia spp.) và héo xanh do nấm (Fusarium spp.)
- Triệu chứng: Cây héo đột ngột, thân gãy, rễ thối.
- Phòng trừ
- Trichoderma spp. (nấm đối kháng) – xử lý đất trước khi trồng
- Vôi bột – rải 5-10 kg/sào, khử khuẩn đất
- Đảm bảo đất trồng thoát nước tốt, không bị ngập úng
- Nhổ bỏ, tiêu hủy cây có dấu hiệu bệnh để ngăn chặn lây lan.
- Tạo độ khô thoáng dưới gốc cây bằng cách tỉa cành, nhổ cỏ dưới gốc
Luôn luôn chủ động phòng ngừa sâu, bệnh dưới ngưỡng kinh tế. Khi phát hiện sâu bệnh hại cần chủ động áp dụng đúng các biện pháp phòng trừ sinh học giúp tăng năng suất, cải thiện chất lượng quả dưa chuột. Góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế hóa chất, sức khỏe của người sản xuất, bảo vệ người tiêu dùng, giúp mở rộng thị trường bán hàng, tăng niềm tin của khách hàng đối với dưa chuôt, dưa mèo Lai Châu.