• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

(Truyền thông) Dự thảo Quyết định quy định mức hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu

          I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH QUYẾT ĐỊNH

         Lai Châu là tỉnh miền núi, nằm ở biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc với tổng diện tích có rừng, rừng trồng chưa thành rừng và diện tích Cao su là 501.107,91 ha. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2024 đạt 52,95%, phân bố chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn.

Hằng năm, vào mùa khô hanh, diện tích rừng tự nhiên và rừng trồng luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Khi phát hiện đám cháy rừng, Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng địa phương huy động ngay lực lượng tại chỗ tham gia chữa cháy, bao gồm người dân địa phương, dân quân tự vệ, cán bộ công chức, viên chức cùng các lực lượng Quân đội, Công an và Kiểm lâm.

Trên thực tế, nhiều đám cháy xảy ra ở khu vực xa dân cư, tình hình cháy phức tạp và kéo dài, dẫn đến lực lượng tham gia chữa cháy phải ăn nghỉ tại chỗ; đồ ăn, nước uống được huy động từ nhân dân để hỗ trợ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu chưa có quy định cụ thể về mức hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia chữa cháy rừng. Tình trạng này gây khó khăn cho công tác bố trí kinh phí, thanh quyết toán và tạo ra sự thiếu thống nhất trong việc thực hiện hỗ trợ, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và hiệu quả của lực lượng tham gia chữa cháy.

Ngày 24/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2024/NĐ-CP về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp, trong đó có quy định về kinh phí chữa cháy rừng. Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 20 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP, quy định như sau: “a) Chi tiền ăn đối với các lực lượng và những người tham gia chữa cháy rừng (bao gồm cả người hưởng lương và người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước) theo lệnh điều động, huy động của người có thẩm quyền, tối đa bằng 0,4 ngày lương tối thiểu vùng cho mỗi suất ăn.” Quy định này là quy định chung, nhằm điều chỉnh hoạt động hỗ trợ chi phí tiền ăn cho người được điều động, huy động tham gia chữa cháy rừng.

Điều 20 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP đã quy định cụ thể về mức hỗ trợ tiền cho người được huy động tham gia hoạt động chữa cháy rừng với các nội dung: đối tượng; nội dung và mức chi; nguồn kinh phí. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 20 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP, Chính phủ giao thẩm quyền quyết định cụ thể mức hỗ trợ tiền ăn cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Để đảm bảo việc triển khai quy định về mức hỗ trợ chi tiền ăn đối với các lực lượng và những người tham gia chữa cháy rừng (bao gồm cả người hưởng lương và người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước) theo lệnh điều động, huy động của người có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh Lai Châu được thực hiện hiệu quả, thống nhất và phù hợp với thực tiễn của tỉnh, việc ban hành Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể mức hỗ trợ chi tiền ăn cho người tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu là cần thiết.

II. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

- Phạm vi điều chỉnh: Quyết định này quy định mức hỗ trợ tiền ăn cho người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy rừng và phục vụ chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Lai Châu theo lệnh điều động, huy động khi chữa cháy rừng ở cách xa nơi cư trú, không có điều kiện đi, về hằng ngày.

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 20 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP: Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, quy định cụ thể mức hỗ trợ tiền ăn đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy rừng và phục vụ chữa cháy rừng theo lệnh điều động, huy động của người có thẩm quyền.

Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 20 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP: “b) Căn cứ vào hoạt động chữa cháy rừng và các chế độ, chính sách, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định cấp kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương và nguồn tài chính hợp pháp khác để xử lý các nhu cầu kinh phí cho chữa cháy rừng trên địa bàn ngoài dự toán chi hằng năm đã được phê duyệt.”

- Đối tượng áp dụng:

a) Người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy rừng và phục vụ chữa cháy rừng (bao gồm cả người hưởng lương và người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước) theo lệnh điều động, huy động của cơ quan, người có thẩm quyền.

b) Các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động huy động người tham gia chữa cháy rừng.

Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 20 Nghị định 58/2024/NĐ-CP đã quy định cụ thể đối tượng hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia chữa cháy rừng Chi tiền ăn đối với các lực lượng và những người tham gia chữa cháy rừng (bao gồm cả người hưởng lương và người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước) theo lệnh điều động, huy động của người có thẩm quyền tối đa bằng 0,4 ngày lương tối thiểu vùng/suất ăn.

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 20 Nghị định 58/2024/NĐ-CP đã quy định thì Người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy rừng và phục vụ chữa cháy rừng theo lệnh điều động, huy động ngoài các chế độ, chính sách được hưởng theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP khi chữa cháy rừng ở cách xa nơi cư trú, không có điều kiện đi, về hằng ngày thì được cấp huy động bố trí nơi ăn, nghỉ, hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi và về theo quy định chế độ công tác của Bộ Tài chính còn được hỗ trợ tiền ăn theo mức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Điều 2. Mức hỗ trợ

a) Mức hỗ trợ tiền ăn cho bữa sáng: 0,3 ngày lương tối thiểu vùng/người/suất ăn.

b) Mức hỗ trợ tiền ăn cho bữa trưa và bữa tối: 0,4 ngày lương tối thiểu vùng/người/suất ăn.

c) Thời gian hỗ trợ tiền ăn đảm bảo phù hợp với diễn biến thực tế thời gian của người tham gia chữa cháy rừng.

Tại điểm a khoản 2 Điều 20 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP, Chính phủ quy định: “Chi tiền ăn đối với các lực lượng và những người tham gia chữa cháy rừng (bao gồm cả người hưởng lương và người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước) theo lệnh điều động, huy động của người có thẩm quyền, tối đa bằng 0,4 ngày lương tối thiểu vùng/suất ăn”. Quy định này là cơ sở để các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để ban hành mức chi cụ thể, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn và đúng quy định pháp luật.

Tại điểm b, khoản 2 Điều 20 Nghị định 58/2024/NĐ-CP quy định: Khi chữa cháy rừng ở cách xa nơi cư trú, không có điều kiện đi, về hằng ngày thì được cấp huy động bố trí nơi ăn, nghỉ, hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi và về theo quy định chế độ công tác của Bộ Tài chính; được hỗ trợ tiền ăn theo mức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định”.

Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới, địa hình chia cắt mạnh, giao thông đi lại khó khăn. Lực lượng tham gia chữa cháy rừng thường phải di chuyển vào rừng sâu, xa khu dân cư, không thể trở về trong ngày. Do đó, nhu cầu ăn uống tại chỗ là thiết yếu, trong khi chi phí vận chuyển lương thực, thực phẩm cao hơn so với khu vực đồng bằng. Việc áp dụng mức hỗ trợ tối đa là cần thiết nhằm đảm bảo đời sống cho lực lượng tham gia chữa cháy rừng, đồng thời góp phần động viên tinh thần và duy trì lực lượng tại chỗ. Tỉnh Lai Châu luôn xác định công tác phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm, gắn liền với quốc phòng, an ninh, an toàn dân cư và phát triển bền vững.

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định số 74/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, mức lương tối thiểu tháng áp dụng đối với vùng IV là 3.450.000 đồng; mức lương tối thiểu theo giờ là 16.600 đồng; theo đó, một ngày làm việc 08 giờ tương đương với mức lương 132.800 đồng/ngày (8 giờ × 16.600 đồng). Mặt khác, trên địa bàn tỉnh Lai Châu, trừ thành phố Lai Châu, các huyện còn lại đều thuộc vùng IV. Do vậy, việc áp dụng thống nhất mức lương tối thiểu vùng IV cho toàn bộ địa bàn tỉnh là phù hợp với quy định pháp luật và tình hình thực tế.

Căn cứ vào mức lương nêu trên, mức chi hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia chữa cháy rừng được xác định như sau:

Mức hỗ trợ tiền ăn cho bữa sáng: 0,3 ngày lương tối thiểu vùng/người/suất ăn, tương đương 39.840 đồng (0,3 × 132.800 đồng).

Bữa trưa và bữa tối: 0,4 ngày lương tối thiểu vùng/người/suất ăn, tương đương 53.120 đồng (0,4 × 132.800 đồng).

Như vậy, mức chi nêu trên bảo đảm phù hợp với thực tế giá suất ăn tại địa phương, đồng thời tuân thủ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP.

Điều 3. Điều khoản thi hành

- Khoản 1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày…tháng…năm 2025.

- Khoản 2. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Môi trường; Tài chính; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã, phường và Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...