Tăng độ phì nhiêu cho đất trồng dong riềng: Giải pháp then chốt để nâng cao năng suất và phát triển bền vững
Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, đất đai thoái hóa, giá vật tư đầu vào tăng cao thì việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đặc biệt là cải tạo độ phì nhiêu, trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững. Tại tỉnh Lai Châu, cây dong riềng - nguyên liệu làm miến dong - là một trong những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế thiết thực cho người dân. Tuy nhiên, canh tác liên tục trong thời gian dài mà không có các biện pháp cải tạo đất đã khiến nhiều vùng trồng bị bạc màu, giảm năng suất rõ rệt.
Nhiều khu vực sản xuất dong riềng tại các huyện như Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè… đang đối mặt với tình trạng đất ngày càng nghèo dinh dưỡng, tơi xốp kém, tầng canh tác mỏng. Nguyên nhân chủ yếu là do bà con trồng liên tục nhiều vụ, ít hoặc không áp dụng luân canh, phụ thuộc quá mức vào phân bón hóa học, đồng thời chưa chú trọng đến biện pháp cải tạo đất và bảo vệ tài nguyên đất. Trung tâm khuyến nông và Kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn đề xuất một số giải pháp nhằm cải tạo và nâng cao sức khẻ đất trồng dong riềng như sau:
1. Ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ thay thế dần phân hóa học
Sử dụng phân bón hữu cơ không chỉ giúp cải thiện tính chất vật lý, hóa học và sinh học của đất mà còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nhờ tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại chỗ. Bà con nên ủ phân chuồng với chế phẩm vi sinh, tận dụng rác thải hữu cơ như vỏ củ dong, rơm rạ, thân cây ngô, lạc, mùn cưa để tạo thành phân vi sinh bón cho đất. Việc này vừa giảm chi phí sản xuất vừa tăng độ màu mỡ cho đất.
2. Luân canh – giải pháp quan trọng để phục hồi đất
Theo các cán bộ kỹ thuật, cây dong riềng là loại cây tiêu hao nhiều dinh dưỡng. Sau khoảng 2–3 vụ trồng liên tục, đất cần được nghỉ ngơi và cải tạo bằng cách luân canh với các cây họ đậu như lạc, đậu tương. Các cây này có khả năng cố định đạm tự nhiên, làm giàu mùn, cải thiện hệ sinh thái đất. Ngoài ra, luân canh còn giúp cắt đứt chu kỳ phát triển của sâu bệnh, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
3. Xen canh hợp lý - tăng năng suất kép
Việc trồng xen dong riềng với các loại cây ngắn ngày như đậu đen, đậu tương hoặc lạc không chỉ tận dụng được diện tích đất, tạo thu nhập bổ sung mà còn mang lại lợi ích lâu dài về mặt cải tạo đất. Sau thu hoạch, phần thân lá của các cây họ đậu được để lại làm phân xanh, tăng độ mùn và cải thiện cấu trúc đất.
4. Cày xới định kỳ và làm cỏ thủ công
Việc cày xới sau mỗi vụ sản xuất giúp phá vỡ lớp đất chai cứng, tạo điều kiện cho không khí và nước thẩm thấu tốt hơn. Cùng với đó, bà con nên làm cỏ bằng tay hoặc máy móc đơn giản, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc diệt cỏ để bảo vệ vi sinh vật có lợi trong đất và giữ cho môi trường sản xuất an toàn.
5. Quản lý nguồn nước tưới
Nguồn nước tưới cần đảm bảo không nhiễm các chất ô nhiễm công nghiệp hoặc hóa chất nông nghiệp tồn dư. Cần có kế hoạch dẫn nước hợp lý, tránh gây xói mòn, rửa trôi chất dinh dưỡng, đặc biệt ở những vùng trồng trên đất dốc.
6. Lựa chọn giống tốt, sạch bệnh
Chọn giống khỏe, đồng đều, có khả năng chống chịu tốt sẽ giúp cây phát triển khỏe mạnh ngay từ đầu vụ, giảm áp lực lên đất và hạn chế rủi ro sâu bệnh. Bà con nên lựa chọn củ giống có nhiều mầm, không trầy xước, không có dấu hiệu nhiễm bệnh hoặc nấm mốc.
Hướng tới sản xuất bền vững, tăng giá trị chuỗi miến dong
Việc tăng cường độ phì cho đất không chỉ có ý nghĩa về mặt kỹ thuật mà còn là cơ sở để xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn, phát triển kinh tế nông thôn. Khi năng suất dong riềng được cải thiện, chất lượng củ đồng đều, người dân có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm miến dong, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu cho đất trồng dong riềng cần thời gian nhất định, kiên trì, lâu dài và đồng bộ trong hành động của cả người trồng và hệ thống hỗ trợ kỹ thuật. Khi người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp nông nghiệp sinh thái, kết hợp với sự đồng hành từ các cơ quan chuyên môn, chắc chắn sản xuất dong riềng của Lai Châu sẽ phát triển ổn định, hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập và bảo vệ tài nguyên đất lâu dài.