Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng trong quản lý sản xuất và minh bạch nguồn gốc nông sản
Trong bối cảnh hội nhập và yêu cầu khắt khe từ các thị trường xuất khẩu, việc ứng dụng phần mềm trong quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc nông sản đang trở thành yêu cầu tất yếu, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Một trong những điều kiện tiên quyết để nông sản được phép xuất khẩu chính ngạch là phải có mã số vùng trồng (PUC) – mã định danh dùng để kiểm soát quá trình sản xuất, sinh vật gây hại và truy xuất nguồn gốc. Để được cấp mã số, vùng sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt từ quy trình canh tác, diện tích tối thiểu, ghi chép nhật ký sản xuất đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và vệ sinh đồng ruộng.
Từ năm 2020, việc triển khai cấp mã số vùng trồng đã được tỉnh Lai Châu đưa vào chương trình hành động. Ngành Nông nghiệp đã tích cực tuyên truyền, tập huấn cho nông dân về quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, khuyến khích ghi chép nhật ký canh tác và ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, thúc đẩy nông dân liên kết thành hợp tác xã để thuận lợi hơn trong sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng sản phẩm.
Vùng trồng chuối tại huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu
|
Đến nay, Lai Châu đã được cấp 30 mã số vùng trồng và 20 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, với tổng diện tích hơn 3.900 ha. Trong đó, có 27 mã số vùng trồng chuối và 03 mã số vùng trồng chanh leo được cấp cho các vùng sản xuất xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Việc duy trì và mở rộng các mã số vùng trồng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu mà còn góp phần nâng cao ý thức sản xuất an toàn trong cộng đồng nông dân. Các doanh nghiệp, hợp tác xã ngày càng chú trọng đầu tư vào hạ tầng, áp dụng công nghệ cao nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ nhằm đảm bảo vùng trồng duy trì được các tiêu chuẩn đã cam kết. Đây là nền tảng quan trọng để Lai Châu hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại và hội nhập sâu rộng. Từ đó, nâng cao thu nhập cho nông dân và khẳng định vị thế nông sản Lai Châu trên thị trường quốc tế.
Vườn chanh leo được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu tại huyện Tam Đường
Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn. Đa số nông dân vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng điều kiện diện tích tối thiểu (từ 10 ha trở lên). Việc ghi chép nhật ký sản xuất chưa đầy đủ, nhận thức về lợi ích của mã số vùng trồng còn hạn chế. Mặt khác, chi phí cấp mã cũng là trở ngại lớn. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chưa chủ động liên kết với các vùng đã được cấp mã để phát triển vùng nguyên liệu ổn định.
Để tháo gỡ những vướng mắc này, tỉnh Lai Châu trong những năm gần đây đã có chính sách hỗ trợ phát triển vùng trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, bố trí nguồn lực cho công tác tập huấn, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị nông sản, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất.
Phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế xanh là một xu hướng tất yếu và yêu cầu bắt buộc trong sản xuất hàng hoá, hàng hoá xuất khẩu, hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới. Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao, uy tín làm nền tảng để khẳng định thương hiệu nông sản trên bản đồ khu vực và thế giới. Mỗi mã số vùng trồng, mỗi cơ sở đóng gói được chuẩn hóa không chỉ là giấy thông hành cho sản phẩm vươn ra thị trường mà còn là minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ của một nền nông nghiệp đang dần hội nhập toàn cầu. Với những nỗ lực không ngừng, nông sản Lai Châu hoàn toàn có thể tự tin chinh phục các thị trường khó tính và mang lại giá trị kinh tế cao, nâng cao đời sống người nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương một cách bền vững và toàn diện..
Bài ảnh: Lò Duy Tùng - Trung tâm Khuyến nông và KTNN