• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tam Đường: Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả - Hướng đi mới nâng cao thu nhập cho nông dân vùng cao

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như chè, khoai sọ, dong riềng, hoa màu và một số cây trồng khác, người dân huyện Tam Đường đã từng bước cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương.

 

Cánh đồng bản Nà Đa thị trấn Tam Đường được chuyển đổi từ đất trồng lúa sang dong riềng, chuối, khoai sọ và một số cây trồng khác

Theo Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Tam Đường, toàn huyện hiện đã chuyển đổi khoảng 70-80% diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác phù hợp hơn. Trong đó, chè, chanh leo, cây khoai sọ và dong riềng đang phát huy hiệu quả rõ rệt, đem lại thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa truyền thống.

Ông Hoàng Đình Quân - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Tam Đường - cho biết: “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Qua theo dõi, các mô hình trồng chanh leo chè khoai sọ và dong riềng không chỉ giúp bà con có thu nhập ổn định, mà còn tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, tiêu thụ sản phẩm tại chỗ.”

Chính quyền các xã cũng tích cực vào cuộc, đồng hành cùng người dân trong quá trình chuyển đổi. Ông Phạm Hồng Phú - Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu - thông tin: “Chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn để hỗ trợ giống, kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn và kết nối đầu ra. Toàn bộ diện tích đất lúa kém hiệu quả đặc biệt là phần diện tích không đủ nước để cấy lúa được xã chuyển đối trồng  dong riềng, khoai sọ, chuối tiêu,  chanh leo gắn với chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, người dân yên tâm sản xuất và mạnh dạn chuyển đổi”.

 

Vườn dong riềng tại xã Hồ Thầu

Tại xã Hồ Thầu một trong những điểm chuyển đổi đầu tiên của huyện - nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo từ mô hình này. Ông Tẩn A Giao ở Bản Chù Lìn chia sẻ: “Trước kia nhà tôi trồng lúa vụ nào cũng lo mất mùa, mỗi năm chỉ được hơn 3 tấn trừ chi phí lãi chỉ đem về hơn 20 triệu. Từ khi chuyển sang trồng dong riềng, thu nhập tăng lên rõ rệt, trung bình mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng/ha. Trừ hết chi phí gia đình còn lãi gần 40 triệu đồng”.

Không riêng Hồ thầu, tại thị trấn Tam Đường, phong trào chuyển đổi đất lúa cũng đang được nhân rộng. Chị Hoàng Thị Nguyệt tại Bản Nà Đa, cho biết:

Gia đình tôi có gần 10.000 m2 đất trồng lúa. Trước đây, gia đình cấy lúa được hơn 5 tấn trừ tất cả chi phi gia đình lãi hơn 30 triệu đồng. Nhưng từ khi huyện về xây dựng nhà máy nước nguồn nước cấy của gia đình cũng như toàn bộ dân bản phải nhường cho công ty nước sạch, từ đó năng suất lúa giảm nên gia đình chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa sang trồng trồng khoai sọ. Trồng khoai sọ ban đầu khá vất vả nhưng nhờ được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nên cây sinh trưởng tốt, đầu ra được thương lái thu mua ổn định. Thu nhập tăng lên gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa.

Vườn khoai sọ tại thị trấn Tam Đường

Việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị tại Tam Đường đang mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp, giúp người dân nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững. Đây cũng là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của chương trình khi được triển khai sát với thực tiễn và nhu cầu người dân./.


Tác giả: Nguyễn Hưu Việt - Trung tâm Khuyến nông và Kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...